Trieu An Logo

Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa âm thầm cho sức khỏe

Tin tức

23/04/2025

6 phút đọc

bg-news

Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa âm thầm cho sức khỏe

Vấn đề ô nhiễm không khí hiện đang diễn ra rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.Thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí kết hợp thực hiện các biện pháp dự phòng là những điều cần làm để bảo vệ sức khỏe trước không khí bị ô nhiễm.

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là trong tình hình thời tiết thất thường do biến đổi khí hậu. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng này thể hiện rõ nét với tình trạng nắng nóng gay gắt, mưa lớn, ngập lụt thường xuyên và lượng xe cộ ngày càng nhiều. Nhiệt độ cao khiến các chất ô nhiễm như ozone tầng thấp tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và tim mạch. Mưa lớn dù có thể làm không khí sạch tạm thời, nhưng cũng làm ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, gây ra các bệnh về đường hô hấp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí không chỉ gây ra các bệnh thường gặp như viêm mũi, viêm họng, viêm phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi. Ngoài ra, ô nhiễm còn gây ra tình trạng kích ứng da, đau mắt, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Đặc biệt, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Chỉ số đánh giá mức độ ô nhiễm không khí

Để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí và tác động của nó đối với sức khỏe, người ta thường sử dụng chỉ số chất lượng không khí, hay còn gọi là AQI. Chỉ số AQI càng cao thì mức độ ô nhiễm càng nặng và càng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi chỉ số AQI dưới 50 thì không khí có chất lượng tốt. Nếu AQI từ 51 đến 100 là mức trung bình, người bình thường không ảnh hưởng nhiều nhưng người có sức khỏe yếu cần lưu ý đối với các hoạt động ngoài trời. Từ 101 đến 150 là mức kém, người nhạy cảm nên hạn chế ra ngoài. Khi AQI trên 150, mọi người cần giảm hoạt động ngoài trời, đeo khẩu trang chống bụi mịn, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Khi AQI trên 200, nếu không thật sự cần thiết, tốt nhất nên ở trong nhà, đóng kín cửa và sử dụng máy lọc không khí nếu có. Khi AQI vượt trên 300, được xem là nguy hại, tất cả mọi người nên hạn chế ra ngoài tối đa, học sinh có thể được nghỉ học.

Biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí

Để bảo vệ sức khỏe, khi ra đường hãy đeo khẩu trang đạt chuẩn, nhất là khi đi qua các khu vực đông xe cộ hoặc công trình xây dựng. Về nhà nên vệ sinh mũi, miệng, mắt bằng nước muối sinh lý. Nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, hạn chế sử dụng bếp than, bếp củi. Những gia đình có người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh hô hấp, tim mạch nên chú ý kỹ, hạn chế ra ngoài vào những ngày không khí ô nhiễm nặng.

Ngoài ra, nên trồng thêm cây xanh, tăng cường thông gió cho nhà ở, hạn chế hút thuốc lá và vận động bỏ thuốc nếu có thể. Đồng thời, hãy tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường như sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe cá nhân khi không cần thiết.

Ô nhiễm không khí là mối nguy không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng ảnh hưởng rất rõ đến sức khỏe. Việc phòng tránh không chỉ là việc của mỗi người mà cần sự chung tay của cộng đồng và chính quyền. Nếu ai cũng góp sức, môi trường sống của chúng ta sẽ trở nên an toàn, trong lành hơn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC)

Tài liệu tham khảo

1. Cục Quản lý Môi trường Y tế, tăng cường khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí, 2025.

2. Nguyen Trung Thang, 2011, ISPONRE Deputy Director, Policy on climate Change in VietNam.

3. Dang Quang Tan, 2009, MOH, the impacts of Climate change on healt in VietNam.

4.https://vncdc.gov.vn/cac-bien-phap-bao-ve-suc-khoe-truoc-anh-huong-cua-o-nhiem-khong-khi-nd17472.html

23/04/2025 by BVTA

Chia sẻ bài viết

Nhận thông tin hữu ích từ bệnh viện Triều An

Bằng cách bấm vào nút bên dưới bạn đồng ý tham gia nhận thông tin hữu ích từ bệnh viện Triều An